Giữ vững vị trí nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu
Tiền thân là HTX Mua bán TP sau chuyển đổi thành Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) và sự kiện ra đời siêu thị bán lẻ đầu tiên Co.opmart Cống Quỳnh (năm 1996), Co.opmart Cần Thơ (2002); chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.opFood (2008); đại siêu thị Co.opXtra (2013)..., đã đánh dấu chặng đường phát triển ngày càng lớn mạnh của Saigon Co.op sau hơn 30 năm hình thành và phát triển với 849 điểm bán lẻ lớn nhỏ tại 43 tỉnh, thành trong cả nước.
Đón hàng triệu lượt khách hàng mua sắm mỗi ngày
Đặc biệt, trong 5 năm qua, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, Saigon Co.op đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trung bình, mỗi năm có thêm 116 điểm bán mới đi vào hoạt động (tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 2010-2014). Đến nay, hệ thống này đã phát triển được 849 điểm bán gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, Cheers, Finelife tại 43 tỉnh, thành; thu hút hàng triệu lượt khách hàng đến mua sắm mỗi ngày. Doanh thu của Saigon Co.op bình quân hằng năm tăng 8,2% và chiếm 34% thị phần doanh thu bán lẻ của cả nước.
Với vai trò hạt nhân nòng cốt tham gia bình ổn thị trường cũng như thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Saigon Co.op đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định giá cả hàng hóa và đa dạng hóa sản phẩm cung cấp, nhiều mặt hàng bình ổn thấp hơn giá thị trường 5%-10%, hơn 10.000 tấn hàng bình ổn được bán ra hằng năm, trong đó các mặt hàng bình ổn thiết yếu chiếm 70%. Cùng với đó, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhà bán lẻ thuần Việt đã chuẩn bị hàng hóa gấp 1,5 lần so với ngày thường, bảo đảm mọi nhu cầu mua sắm của nhân dân và kịp thời cung ứng hơn 47 triệu khẩu trang ra thị trường, đồng thời cung cấp hàng triệu suất ăn cho các khu cách ly trong những ngày cao điểm chống dịch.
Co.opXtra - một trong những điểm bán của Saigon Co.op - thu hút hàng ngàn lượt người mua sắm mỗi ngày
Duy trì vị thế nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam
Tình hình thế giới sẽ có những tác động lớn đến hoạt động thương mại dịch vụ của Việt Nam và TP HCM trong thời gian tới, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút các tập đoàn bán lẻ quốc tế, sự dịch chuyển từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại là xu hướng tất yếu, hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ sẽ diễn ra sôi nổi hơn. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng thay đổi, tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường sẽ trở thành xu thế chung của thế giới. Đối với TP HCM, thị trường bán lẻ sẽ rất sôi động và còn nhiều dư địa để phát triển. Đặc biệt, từ năm 2018, TP đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, thành phố sẽ trở thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, tỉ trọng bán lẻ theo các hình thức phân phối hiện đại đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030 đạt tối thiểu 60%. Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, tình hình sắp tới chính là cơ hội lớn để Saigon Co.op đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển phù hợp gắn với định hướng phát triển của thành phố trong dài hạn trên cơ sở xác định các thế mạnh và phân tích rõ các cơ hội, thách thức đang đặt ra hiện nay.
Về phía Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay trong bối cảnh mới, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục có nhiều tiềm năng trở thành nơi thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ quốc tế, cạnh tranh mặt bằng bán lẻ gay gắt..., từ nay đến năm 2025, Saigon Co.op phấn đấu tăng trưởng doanh thu bình quân 6%-10%/năm; lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 3%-5%/năm; năng suất lao động tăng trưởng bình quân 6,5%-7%/năm. Để đạt được các chỉ tiêu này, ban lãnh đạo Saigon Co.op sẽ tập trung hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình hiện hữu, tăng cường số lượng và chất lượng các dịch vụ phục vụ khách hàng song song với mở rộng mạng lưới nhanh, mạnh để phủ kín hệ thống phân phối trên cả nước. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025 sẽ tối thiểu 2.000 điểm bán hoạt động. Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả đầu tư mô hình Co.opmart tuyến huyện, Co.opFood tỉnh; ưu tiên phát triển các dự án có quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố lớn nhằm bảo đảm năng lực cạnh tranh với đối thủ. tiếp tục hoàn chỉnh và phát triển các mô hình kinh doanh Co.opSmile, Cheers khi có hiệu quả.
Về hàng hóa, phấn đấu dẫn đầu thị trường về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển hàng nhãn riêng lên tỉ trọng 8%-10% bên cạnh việc tiếp tục kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và đầu tư nâng chất lượng hoạt động logistics chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu kinh doanh và phát triển bền vững của hệ thống.
Thời gian tới, Saigon Co.op sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình Kết nối tiêu thụ sản phẩm Việt; xây dựng vùng nguyên liệu, cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Song song đó là phát triển tổng thể và hoàn thiện chuỗi cung ứng, tiếp tục tái cấu trúc theo Luật HTX năm 2013; tổ chức, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ tối ưu hóa quản lý, hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, để bắt kịp xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang gia tăng, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển mảng thương mại điện tử dựa trên nền tảng các điểm bán hiện có.
Giữ vững bản chất HTX |
Theo Báo Người Lao Động